Làm thế nào để viết được hồ sơ ấn tượng
Một số ứng viên rất hay nhầm lẫn ở phần này, mục tiêu nghề nghiệp là một mục tiêu dài hạn, là đích đến trong tương lai (3 hoặc 5 năm) đối với công việc mà bạn đang theo đuổi.
Quả thật, hồ sơ tìm việc (resume) là “vũ khí” quan trọng khi tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí, một số Nhà Tuyển Dụng (NTD) chỉ cần xem hồ sơ trong 30 giây là đã có thể đi đến quyết định có nhận ứng viên đó vào vòng phỏng vấn hay không. Thông qua bài viết này, cung cấp cho bạn những thông tin về một bộ hồ sơ chuẩn để từ đó bạn có thể “gia giảm” thông tin và tạo ra một bộ hồ sơ ấn tượng cho riêng mình.
1. Thông tin cá nhân
Đây là một trong những mục quan trọng nhất nhưng cũng… dễ viết nhất. Mục đích của thông tin cá nhân là để NTD có thể liên lạc với bạn mọi lúc, mọi nơi cho một lời mời phỏng vấn. Thông tin cá nhân chỉ nên bao gồm: Tên họ, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại liên lạc & địa chỉ email.
Hai điểm cần lưu ý về số điện thoại & địa chỉ email: Nếu có thể, hãy để số điện thoại di động trên hồ sơ và chỉ nên cung cấp một số điện thoại mà bạn dùng thường xuyên nhất. Với địa chỉ email, tránh cung cấp những địa chỉ như meocon@yahoo.com hoặc nhocxinh@gmail.com, hãy tạo ra một địa chỉ email riêng cho việc ứng tuyển, email này càng trung tính càng tốt (Tuan_Nguyen@gmail.com hoặc Anh.Kim@yahoo.com) vì NTD thường có thói quen chọn những ứng viên đã trưởng thành để trao cơ hội việc làm hơn những “nhóc xinh” hay các chú “mèo con”.
2. Mục tiêu nghề nghiệp.
Một số ứng viên rất hay nhầm lẫn ở phần này, mục tiêu nghề nghiệp là một mục tiêu dài hạn, là đích đến trong tương lai (3 hoặc 5 năm) đối với công việc mà bạn đang theo đuổi. Nếu chỉ đơn thuần ghi lại công việc bạn đang muốn ứng tuyển vào phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn đang đi sai hướng & NTD sẽ đánh giá bạn là một ứng viên chưa có định hướng sự nghiệp rõ ràng.
Thay vì viết “Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên kinh doanh trong ngành CNTT” vào phần mục tiêu nghề nghiệp, hãy cân nhắc cách viết sau: “Với khả năng giao tiếp & thuyết phục khách hàng cùng kiến thức & sự yêu thích đối với ngành CNTT, tôi mong muốn trở thành một nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực này để giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu cũng như mang khách hàng đến với những trải nghiệm mua hàng ấn tượng, từ đó xây dựng mối quan hệ lâu dài với các khách hàng”.
3. Kinh nghiệm làm việc – “xương sống” của một bộ hồ sơ tìm việc
Trong phần này, NTD không chỉ tìm kiếm thông tin bạn đã làm gì trong thời gian qua, mà yếu tố NTD quan tâm đến hàng đầu là bạn đã “trải qua” những sự kiện gì trong thời gian đó & bài học kinh nghiệm mà bạn tích lũy được là gì. Nếu viết: “Tôi làm Nhân viên kinh doanh dự án trong hơn 3 năm tại công ty ABC từ năm 19xx đến 19yy” thì hồ sơ của bạn chắc chắn sẽ “chìm nghỉm” trong núi hồ sơ mà NTD nhận được và vì thế cơ hội cho một buổi phỏng vấn là rất xa vời!
Hãy tham khảo cách viết nêu rõ trách nhiệm của công việc mình từng đảm nhiệm và đặc biệt nhấn mạnh vào những thành tích đã đạt được như sau:
Tháng 10/2006 – Tháng 12/2008: Nhân viên kinh doanh dự án công ty ABC
ABC là một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hàng điện tử – điện lạnh.
Nhiệm vụ:
• Tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng là các doanh nghiệp
• Giới thiệu sản phẩm, tư vấn và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm
• Chịu trách nhiệm về hồ sơ thầu để gia tăng khả năng chiến thắng gói thầu
• Chăm sóc khách hàng hiện tại nhằm duy trì mức doanh thu hiện có
• Tìm hiểu thông tin về thị trường để đưa ra những kế hoạch phản hồi phù hợp
• Lập báo cáo định kỳ để tổng kết kết quả làm việc & xây dựng mục tiêu tiếp theo
• Hỗ trợ bộ phận Marketing đẩy mạnh thông tin để xây dựng thương hiệu &gia tăng mức độ nhận biết đối với khách hàng tiềm năng.
Thành tích:
• Vượt chỉ tiêu doanh số trong liên tục 10 tháng đầu năm 2008
• Đoạt giải Best Sales (Nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất) trong 6 tháng liên tiếp của năm 2008
• Xây dựng được một mạng lưới khách hàng thân thiết với trên 100 khách hàng
• Đoạt giải thưởng dành cho nhân viên kinh doanh đạt 200% chỉ tiêu doanh số của năm
Lưu ý sắp xếp công việc theo thứ tự thời gian từ mới nhất trở về trước & nếu có quá nhiều kinh nghiệm để liệt kê, hãy chỉ cung cấp những kinh nghiệm có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Trái lại, đối với sinh viên mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, thì sự lựa chọn kinh nghiệm & thành tích để liệt kê của các bạn thường bị hạn chế, vì thế thành tích đạt được trong học tập & hoạt động ngoại khóa có liên quan đến công việc ứng tuyển là yếu tố bạn nên thể hiện trong hồ sơ. Nhưng đừng vì một chút yếu điểm này mà vội nản lòng, các bạn đang sở hữu 3 điểm mạnh mà những người dày dạn kinh nghiệm thường đã đánh mất, đó chính là nguồn năng lượng dồi dào, tinh thần “dám làm, dám nhận thử thách” và sự tươi mới, cởi mở trong tư duy. Hãy biết khéo léo thể hiện những điểm mạnh này trong hồ sơ để ghi điểm với NTD.
4. Kỹ năng
Thay vì viết chung chung “Trình độ tin học văn phòng và tiếng Anh của tôi khá tốt”, hãy ghi rõ những kỹ năng mình có như sau
• Sử dụng thành thạo Microsoft Word, Excel, Power Point…
• Viết & giao tiếp tiếng Anh lưu loát
• Kỹ năng đàm phán, thương lượng và thuyết phục khách hàng tốt
• Có tinh thần hợp tác, phối hợp tốt khi làm việc nhóm
• Đam mê tìm hiểu, khám phá những sản phẩm CNTT & các sản phẩm công nghệ cao
5. Học vấn
Trong mục này, bạn liệt kê bằng cấp & nơi bạn đã học tập để NTD nhìn thấy được nền tảng kiến thức của bạn như: “Cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế (2000-2004)”
Nếu có tham gia các khóa học ngắn hạn có liên quan đến công việc đang ứng tuyển, hãy bổ sung thêm vào để nhấn mạnh sự quan tâm & đầu tư của bạn dành cho công việc này như:
• Nghệ thuật lãnh đạo – Brainbox VietNam Foreign Languages and Management Studies Training Center (2008)
• Giám sát bán hàng chuyên nghiệp – Trường doanh nhân Pace (2006)
• Kỹ năng giải quyết vấn đề – Trường doanh nhân Pace (2006)
Bạn chỉ nên chọn những bằng cấp mới và phù hợp nhất với vị trí mình ứng tuyển để giới thiệu trong hồ sơ vì các NTD thường không muốn bị mất thời gian để đọc những thông tin “thừa” – dù chúng có ấn tượng đến đâu chăng nữa.
Lời kết
Viết một hồ sơ tìm việc ấn tượng không khó như bạn nghĩ. Chỉ cần nắm vững những phần căn bản, dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về NTD, kết hợp với việc tìm kiếm & chắt lọc những thông tin phù hợp của bản thân, bạn sẽ có trong tay một hồ sơ “đạt chuẩn”.
Leave a Reply