Bí quyết hoàn thiện bộ hồ sơ trực tuyến của bạn
Nhiều ứng viên vì muốn “tiết kiệm” thời gian và công sức đã soạn thảo một mẫu hồ sơ dùng cho tất cả công việc.
Bạn có biết cơ sở dữ liệu của trang VietnamWorks quản lý trên 288.000 bộ hồ sơ tìm việc trực tuyến của ứng viên? Vậy làm thế nào bạn có thể làm cho hồ sơ của mình nổi bật trong số hàng trăm ngàn hồ sơ của người tìm việc đăng trên một website việc làm?
Một số “bí kíp” sau có thể giúp bạn:
1. Sử dụng từ khóa phù hợp
Do các website việc làm có hệ thống ATS (Automatic Tracking System) – hệ thống chuyên theo dõi và tìm kiếm hồ sơ ứng viên, bạn cần chú ý trình bày càng nhiều càng tốt các từ khóa mô tả năng lực, thành tích và kinh nghiệm làm việc của bạn để thu hút sự chú ý của NTD. Lưu ý là những từ khóa này phải phù hợp với công việc bạn muốn tìm. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các từ ngữ “bán giải pháp, xây dựng mối quan hệ, dịch vụ khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán” khi muốn tìm việc nhân viên kinh doanh và loại bỏ những từ khóa không phù hợp như: “biên dịch”, “nhập liệu”….
2. Không “lệch”mục tiêu
Nhiều ứng viên vì muốn “tiết kiệm” thời gian và công sức đã soạn thảo một mẫu hồ sơ dùng cho tất cả công việc. NTD có thể dễ dàng nhận ra điều này thông qua những chi tiết “lạc điệu”. Chẳng hạn, bạn muốn làm nhân viên kinh doanh nhưng trong phần mục tiêu nghề nghiệp bạn lại viết “Tôi muốn tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực Dịch Vụ Khách Hàng”. Vì thế, tùy theo vị trí nhắm đến, bạn cần điều chỉnh nội dung hồ sơ (đặc biệt là phần mô tả kinh nghiệm làm việc, thành tích và kỹ năng) cho phù hợp.
3. Chi tiết kinh nghiệm, cụ thể thành tích
NTD luôn muốn biết bạn có khả năng đảm nhiệm vị trí họ đăng tuyển hay không. Vì vậy, bạn cần mô tả chi tiết những công việc bạn đã đảm trách cũng như những thành tích bạn đã đạt được. Để tăng tính thuyết phục, bạn nên dùng con số và tỷ lệ phần trăm để minh họa cho những thông tin này. Ví dụ: “Trong năm vừa qua, tôi đã mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm X tại tỉnh Z từ 40 lên thành 100 đại lý.”
4. Ngắn gọn, súc tích
Nhiều ứng viên có suy nghĩ: hồ sơ càng dài thì càng gây ấn tượng cho NTD bởi những công việc họ đã làm. Đây hoàn toàn là suy nghĩ sai lầm! Một hồ sơ dài “lê thê” chỉ khiến NTD cảm thấy “ngán ngẩm” và chẳng muốn đụng đến. Bí quyết của một hồ sơ hay là “nhấn đúng chỗ”! Thông tin trình bày cần đi thẳng vào vấn đề và liên quan đến vị trí bạn đang muốn ứng tuyển.
5. Không “đánh đố” NTD
Đừng làm NTD rối trí bằng cách viết tiếng Việt không dấu hoặc viết tắt trong hồ sơ, chẳng hạn như: “Tốt nghiệp ngành XDDD (xây dựng dân dụng)” hay “Tốt nghiệp ngành CKCTM (Cơ khí chế tạo máy), su dung thanh thao vi tinh van phong…” ? Nhìn chung, bạn không nên viết tắt trong hồ sơ của mình, trừ khi cụm từ đó đã quá phổ biến như Tp.HCM.
6. Sử dụng động từ
Hãy bắt đầu mỗi ý bằng một động từ để tăng thêm sức mạnh cho kinh nghiệm làm việc của bạn như: “Quản lý”, “Thiết kế” hay “Tổ chức”. Ví dụ: Thiết kế tờ rơi quảng cáo cho chương trình marketing của công ty. Các động từ tiếng Anh chia ở quá khứ cho biết là bạn đã và có thể làm tốt các trách nhiệm trước đây.
7. Tránh những thông tin tiêu cực
Hồ sơ không phải là nơi để bạn trình bày bạn từng bị đuổi việc vì một lý do nào đó. Hãy chọn lọc những thông tin tích cực để đưa vào hồ sơ. Còn những vấn đề tế nhị như lý do rời bỏ công ty cũ, bạn có thể “để dành” cho lúc gặp trực tiếp NTD.
8. Chú ý hình ảnh trong hồ sơ
Hình ảnh không phải là phần quan trọng nhất trong hồ sơ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn muốn dùng hình nào cũng được, kể cả những hình bạn chụp bằng webcam hay bạn đang ôm thú nhồi bông! Tốt nhất là bạn nên sử dụng hình thẻ chụp trong các studio.
9. Sạch lỗi chính tả
“Việt làm, xắp sếp…” bạn có cảm thấy khó chịu khi đọc những từ này? Đừng bao giờ để hồ sơ của bạn mắc lỗi chính tả. Nhìn những lỗi tệ hại như thế này, NTD rất dễ có suy nghĩ: “Ngay cả việc đơn giản nhất là viết câu chữ cho đúng chính tả, ứng viên này còn không làm được thì khó mà hy vọng anh/chị ta có thể làm được điều gì cho công ty”. Cách tối ưu để tránh lỗi chính tả là sau khi viết hồ sơ xong, bạn nên in ra giấy rồi và kiểm tra câu chữ ít nhất 3 lần.
10. Đạt điểm tối đa cho “hình thức”
Để gây ấn tượng tốt cho NTD, bạn nên trình bày hồ sơ một cách, dễ đọc, dễ nhìn. Không nên dùng các kiểu chữ (font) điệu đà, in nghiêng hay in đậm. Tốt nhất bạn nên dùng font Times New Roman hay Arial kích cỡ từ 12–14. Nhớ sử dụng dấu gạch đầu dòng (bullet point) để làm nổi bật các ý chính.
Nếu muốn giành được công việc mình mơ ước, khi viết hồ sơ, bạn phải thật tập trung và cẩn thận để không mắc những sai sót không đáng có. Cơ hội nghề nghiệp đang nằm trong tầm tay bạn! Hãy nỗ lực hết mình để đừng bỏ lỡ cơ hội của chính mình, bạn nhé!
Leave a Reply